Tin tức

4 điểm yếu của ngành chế biến gỗ Việt Nam

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Cố vấn cao cấp của Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững) chỉ ra 4 điểm yếu của ngành gỗ Việt Nam, bài viết đăng trên ấn phẩm của Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ tp HCM, tài liệu phát đi trong một buổi hội thảo tại TP HCM gần đây.


So với ngành chế biến gỗ của một số quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, như Malaysia, Thái Lan… thì năng suất của ngành gỗ Việt Nam chưa bằng. Điều này cho thấy một số điểm yếu trong lợi thế cạnh tranh.

Thứ nhất, là điểm yếu liên quan đến các yếu tố đầu vào, như trình độ lao động, công nghệ, trình độ quản lý… Hàm lượng các yếu tố đầu vào, như lao động tay nghề cao, sản phẩm thiết kế sáng tạo, công nghệ phức hợp… còn hạn chế.

Đặc biệt, lao động chất lượng cao, có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng, kiểu dáng mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu người mua hàng còn rất thiếu. Nguyên nhân cơ bản là các cơ sở đào tạo chưa gắn kết được với các doanh nghiệp. Đầu tư dài hạn vào các cơ sở đào tạo, nhằm kết nối nhu cầu của doanh nghiệp với nguồn đào tạo là hết sức cấp bách.

Các chương trình đào tạo cũng cần nắm bắt và lồng ghép những yêu cầu sản phẩm của thị trường tiêu thụ. Tôi nghĩ, nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đầu tư dài hạn và đào tạo nhưng không nên can thiệp trực tiếp vào các mô hình đào tạo.

 

Thứ hai, hiểu biết của các doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Nhiều doanh nghiệp không kết nối trực tiếp với thị trường mà thông qua các công ty mua hàng. Thiếu thông tin thị trường làm cho doanh nghiệp bị động trong sản xuất kinh doanh.

Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro. Tìm hiểu thị trường là điều tối quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các quốc gia này có cơ quan thương mại hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Các cơ quan này có văn phòng và con người đặt tại các thị trường lớn, với vai trò thu thập thông tin về thị trường sản phẩm.

Thông tin được thu thập thông qua việc đặt hàng các công ty nghiên cứu thị trường. Các thông tin sau đó được chuyển tải rộng rãi tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thứ ba, Việt Nam gần như chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp có liên quan cho ngành gỗ. Để tạo được động lực cho ngành phát triển, Việt Nam cần có các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp có liên quan mạnh, từ đó tạo đà cho việc liên doanh liên kết, giảm các chi phí giao dịch…

Chính sách của nhà nước có thể thúc đẩy việc hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ và cụm công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào việc hình thành mà chỉ nên hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, hỗ trợ cơ sở đào tạo…

Thứ tư, các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu. Để khắc phục điều này, ngành cần có chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực.

Cần phải khai thác hiệu quả các khía cạnh của Luật này, đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn lực một cách bền vững. Điều quan trọng nhất là trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng lao động và đổi mới công nghệ vì mục tiêu tăng năng suất.

                                                                                                                                                                          Nguồn :cafebiz.vn

Tags:
Các tin khác
hình hình hình hình
Đăng ký nhận tin
Cập nhật thông tin ưu đãi mới nhất