Tin tức

Ngành gỗ đối mặt khó khăn kép: Giữ nội lực trước bão Covid-19

 

Sau 2 tháng đầu năm phát triển tốt theo đà tăng trưởng của năm 2019, từ giữa tháng 3 năm nay, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành gỗ đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, và có khả năng không có đơn hàng từ tháng 4/2020 này.

Các thị trường chính, bao gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm trên 90% thị phần xuất khẩu sản phẩm gỗ), đều đã thông báo giãn hoặc hủy bỏ các đơn hàng làm cho đầu ra của ngành gỗ bị đứt gãy. Riêng thị trường Hoa Kỳ (chiếm tới trên 50% thị phần xuất khẩu) có diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam như ngồi trên lửa.

Hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đã phải cắt giảm nhân công, trả lương tối thiểu theo vùng để giữ chân người lao động. Với diễn biến của đại dịch như hiện nay, trên 3.500 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ, tạo việc làm và thu nhập cho trên 800 ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, sẽ phải đóng cửa nhà máy và cho công nhân nghỉ việc hoàn toàn từ giữa tháng 4 năm nay.

Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu do thiếu công nhân khai thác gỗ nguyên liệu, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1000 USD/container, và còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021, do vậy nhiều nhà máy tiền ẩn nguy cơ nhà máy đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.

Ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn kép do thiếu nguyên phụ liệu đồng thời do nhiều quốc gia phong tỏa để phòng chống dịch bệnh nên nhiều khách hàng lớn phải đóng cửa hàng, siêu thị do đó không đặt đơn hàng mới, giãn ngày giao hàng đơn hiện tại. Điều này làm cho đơn hàng giảm trong khi đó tồn kho của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí quản lý, khi không xuất được hàng thì doanh nghiệp không thể có tiền để trả nợ vay, trả lãi, trả tiền lương, thuế, bảo hiểm… buộc doanh nghiệp phải giãn giờ làm, giảm biên chế hoặc phải đóng cửa.

Cũng giống như các ngành như dệt may, da giày, ngành công nghiệp chế biến gỗ là một trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với nguy cơ hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất vào nửa cuối tháng 4/2020 và hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ người lao động, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ.

Do vậy, trước bối cảnh cấp thiết này, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành sẽ giúp các doanh nghiệp tồn tại và trụ lại được trước sự tàn phá của đại dịch, điều quan trọng hơn là sau khi đại dịch đi qua, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi động lại, nhu cầu tiêu dùng phục hồi, thì doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn có nội lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới, cũng như tiếp tục duy trì được sức phát triển mà ngành đã đã dày công xây dựng hơn hai thập kỷ qua.

Đức Thành - Gỗ Việt Số 121, Tháng 4/2020

http://goviet.org.vn/bai-viet/nganh-go-doi-mat-kho-khan-kep-giu-noi-luc-truoc-bao-covid-19-9119

 

Tags:
Các tin khác
hình hình hình hình
Đăng ký nhận tin
Cập nhật thông tin ưu đãi mới nhất